(Dân trí) – Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung khẳng định, nếu Đức thực sự mong muốn hợp tác với Việt Nam, ông cam kết đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu công việc của đối tác.
Đức luôn mở cửa đón lao động Việt
Đây là một trong những nội dung được trao đổi tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và ông Boris Rhein, Thủ hiến bang Hesse (CHLB Đức), ngày 28/11.
Chào đón Thủ hiến bang Hesse Boris Rhein từ Đức đến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhắc lại dấu ấn quan trọng từ chuyến thăm của Tổng thống CHLB Đức Frank-Walter Steinmeier hồi đầu năm.
Đặc biệt, trong chuyến thăm ấy, Tổng thống chỉ đưa một Bộ trưởng duy nhất đi cùng, đó là Bộ trưởng Lao động và Xã hội Liên bang Đức.
“Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức, lãnh đạo hai nước chỉ ký một biên bản ghi nhớ (MOU) duy nhất. Đó là thỏa thuận hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Lao động và Xã hội Liên bang Đức trong lĩnh vực lao động – việc làm.
Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu bước phát triển nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu từ phía Bộ LĐ-TB&XH và cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Hesse Boris Rhein cho hay chuyến thăm lần này, bang Hesse không chỉ muốn củng cố hơn nữa mối quan hệ hiện có, mà còn muốn khám phá những cơ hội hợp tác mới trong dài hạn, có lợi cho cả hai bên.
Thủ hiến bang Hesse đề cập một số vấn đề quan trọng liên quan đến việc tuyển chọn lao động nước ngoài sang Đức làm việc và đào tạo nghề. Ông rất mong muốn đón nhiều bạn trẻ Việt Nam sang học nghề, làm việc trong các lĩnh vực thủ công và công nghiệp, để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực.
Ngoài ra, các bệnh viện tại Frankfurt cũng bày tỏ mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực y tế, nhằm bổ sung nguồn nhân lực cho ngành chăm sóc sức khỏe.
Tiếp nhận thông tin, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lập tức đề nghị Thủ hiến bang Hesse nêu rõ số lượng lao động, các ngành nghề mà Đức đang cần, cùng với các tiêu chí tuyển chọn cụ thể.
Ông cũng yêu cầu làm rõ các tiêu chí tuyển chọn để hai bên có thể thảo luận và phối hợp để triển khai các bước tiếp theo trong việc hợp tác lao động và đào tạo nghề.
Cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Boris Rhein đánh giá rất cao mối quan hệ hợp tác giữa bang Hessen với Việt Nam, đặc biệt là với Bộ LĐ-TB&XH. Ông cho biết, trong chuyến thăm lần này, đoàn của bang Hessen có sự tham gia của nhiều quan chức cao cấp, điều này thể hiện sự coi trọng đặc biệt của bang đối với Việt Nam.
Ông Boris Rhein khái quát, hầu hết các ngành công nghiệp tại Hessen đang thiếu hụt lao động, từ công nghiệp dược, công nghiệp hóa chất, chế tạo ô tô, cho đến khu vực sân bay Frankfurt, nơi đang gặp tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng.
“Lĩnh vực cần lao động rất rộng, không chỉ là những người sang Đức học đại học, mà còn cả những người sang học nghề. Chúng tôi có một hệ thống đào tạo nghề rất hiệu quả và luôn sẵn sàng chào đón các bạn trẻ Việt Nam sang học nghề”, ông Boris Rhein nhấn mạnh.
Lao động Việt sẽ đáp ứng được các tiêu chí từ phía Đức
Đáp lại, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh rằng bang Hessen có thế mạnh rất lớn về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm và mô hình đào tạo kép. Ông chia sẻ, đã từng đến Viện Bồi dưỡng Công nghệ của bang Hessen và gửi nhiều giáo viên Việt Nam sang học tại đây.
Bộ trưởng cho biết, Việt Nam hiện đang rất chú trọng vào giáo dục nghề nghiệp, và trong lĩnh vực này, Đức là quốc gia dẫn đầu. Vì vậy, ông mong muốn Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam mở rộng chương trình đào tạo nghề cho thanh niên.
Ông thông tin thêm, dân số Việt Nam hiện nay khoảng 104 triệu người và đang ở trong giai đoạn “dân số vàng”. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, được xác định là một trong ba đột phá chiến lược. Trong đó giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò rất quan trọng.
Bộ trưởng cũng cho biết, Việt Nam hiện có 1.996 trường cao đẳng và trung cấp nghề, với quy mô tuyển sinh hàng năm đạt khoảng 2 triệu học viên. Nhiều trường đã áp dụng mô hình đào tạo kép của Đức. Ông bày tỏ mong muốn bang Hessen sẽ ký kết hợp tác về đào tạo nghề cho Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, hợp tác này không chỉ có lợi cho Việt Nam mà còn có lợi cho bang Hessen, vì lao động sau khi được đào tạo tại Việt Nam có thể sang làm việc tại Hessen, giúp giải quyết tình trạng thiếu nhân lực tại bang này.
“Khi nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Đức, đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số, thì đây chính là lợi thế của Việt Nam. Việt Nam xác định châu Âu là một trong những điểm đến tiềm năng cho lao động chất lượng cao trong tương lai”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Đánh giá về thị trường lao động Đức, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, lao động Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được các tiêu chí và yêu cầu mà Đức đặt ra.
“Hiện nhiều lao động Việt Nam muốn sang Đức làm việc, nhưng không đi được vì các yêu cầu tuyển dụng của Đức khá khắt khe, đặc biệt là yêu cầu về ngôn ngữ. Đây là rào cản lớn đối với lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ và khuyến nghị Đức nên hạ tiêu chí tuyển chọn lao động.
Trước nhu cầu lớn về nguồn nhân lực từ Đức, Bộ trưởng cam kết, nếu nước bạn thật sự mong muốn hợp tác với Việt Nam, ông đảm bảo có đủ nguồn nhân lực.
Ông cho biết sẽ lựa chọn những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có sức khỏe tốt và ý thức kỷ luật cao, hoàn toàn đáp ứng yêu cầu của đối tác Đức.
Nguồn:
https://dantri.com.vn/lao-dong-viec-lam/duc-khat-lao-dong-bo-truong-cam-ket-dap-ung-du-nhan-luc-chat-luong-20241128134745207.htm