DU HỌC NGHỀ KÉP TẠI ĐỨC

 

I. HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP Ở CỘNG HÒA LIÊN BANG ĐỨC
   – Ở Cộng hòa Liên bang Đức, hệ thống đào tạo nghề là sự kết hợp giữa việc học trong một môi trường có sự gần gũi với thực tế sản xuất của công ty với một cơ sở có năng lực chuyên môn về sư phạm và nghiệp vụ dạy nghề của các trường nghề, theo đó, các công ty tập trung vào việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng thực tế, đặc biệt là kiến thức và kỹ năng phù hợp với công nghệ sản xuất, quy trình làm việc của công ty, còn các nhà trường cung cấp khối kiến thức lý thuyết về cơ bản nhiều hơn. Do phát triển trên hai nền tảng kết hợp như vậy, nên hệ thống đào tạo nghề này còn gọi là hệ thống đào tạo nghề KÉP.
   – Bộ luật Đào tạo nghề năm 1969 áp dụng ở CHLB Đức được coi là nền tảng cơ bản của sự phát triển hệ thống đào tạo nghề kép. Bộ luật này đã đưa ra các điều lệ chi tiết và tích cực, nhấn mạnh trách nhiệm của xã hội đối với việc đào tạo nghề. Đồng thời bảo đảm cho các nhóm xã hội quan tâm đến đào tạo nghề, chủ yếu giới chủ sử dụng lao động và người lao động, có ảnh hưởng mang tính quyết định đến hệ thống đào tạo nghề và khả năng tổ chức đào tạo của toàn đất nước. Ngoài ra, Bộ luật này còn là cơ sở pháp lý cho hệ thống đào tạo kép thành hệ thống tiêu chuẩn chất lượng nghề chủ chốt ở Cộng hòa Liên bang Đức.
Sinh viên Đức sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có 3 lựa chọn:
   1. Học chương trình dạy nghề toàn thời gian 2-3 năm tại các trường nghề;
   2. Học trường nghề theo chương trình đào tạo kép từ 2-3,5 năm;
   3. Học đại học (3-5 năm).
Trong đó, hệ thống đào tạo nghề kép thu hút được nhiều học viên và được công nhận trên toàn thế giới do sự kết hợp giữa lý thuyết và môi trường làm việc thực tế.
   – Sở dĩ hệ thống đào tạo nghề này được gọi là hệ thống đào tạo nghề kép vì có sự kết hợp giữa các công ty và các trường dạy nghề. Đào tạo kép thường kéo dài 2-3,5 năm. Trong khoảng thời gian này, học viên dành vài ngày một tuần, hoặc thậm chí là vài tuần một lần, tại một trường dạy nghề nơi họ có được kiến thức lý thuyết cho nghề nghiệp của mình. Các lớp học bao gồm tiếng Đức, tiếng Anh, kỹ năng mềm, giáo dục thể chất. Đồng thời, học viên sẽ tham gia học việc ở một công ty để có được kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn. Chương trình đào tạo nghề kép bao gồm 70% thời gian ở doanh nghiệp đào tạo nghề và 30% tại trường nghề.
   – Theo số liệu thống kê, hơn 1/3 số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Đức tham gia một chương trình đào tạo nghề, trong đó 1/3 học theo chương trình nghề toàn thời gian và 2/3 theo học chương trình kép. Chương trình đào tạo nghề kép có khoảng 330 chương trình đào tạo được công nhận chính thức, tất cả được liệt kê trên Planet-Beruf.net, trang web của Viện Đào tạo nghề Liên bang Đức (BIBB). Trang Web này cũng công bố danh sách các ngành nghề và mức lương tương ứng mà người học nghề nhận được, cũng như Hướng dẫn về “Đào tạo nghề tại Đức“.
   – Theo Báo cáo đào tạo nghề năm 2017 của Đức, phần lớn những người tham gia chương trình đào tạo kép tuổi từ 15 đến 24. Khoảng 90% học viên hoàn thành khoá đào tạo kép, 68% học viên được công ty đào tạo của họ tuyển dụng sau khi hoàn thành chương trình và 95,3% sinh viên đào tạo nghề có việc làm (BIBB, 2017). Theo số liệu năm 2018 của BIBB, khoảng 52% dân số Đức trong độ tuổi 16 đến 24 tham gia hệ thống đào tạo nghề kép. Số tiền phụ cấp đào tạo trung bình cho học viên được doanh nghiệp sử dụng lao động trả khoảng 876 euro/tháng. Quy mô của hệ thống đào tạo kép ở Đức rơi vào khoảng 1,3 triệu người/năm với độ tuổi trung bình của học viên tham gia các khóa học là 19,5 tuổi (số liệu Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, 2019).
   – Các học sinh tham gia hệ thống này, được dạy các kỹ năng cơ bản cho ngành nghề đã chọn và sau đó được đào tạo chuyên sâu. Như đã nói ở trên, thông thường, học sinh theo học ngành của mình 3 ngày tại công ty, những ngày còn lại học tại trường nghề hoặc học sinh có thể sử dụng nhiều thời gian hơn tại công ty, và cũng có thể tham gia học ngoài giờ tại trường nghề. Hiện nay, trong chương trình học của hệ thống đào tạo nghề kép thì các môn chuyên ngành chiếm 60% và các môn phổ thông chiếm 40%. Nội dung chương trình đào tạo được quy định với Bộ Giáo dục và giới kinh tế (các hiệp hội ngành, nghề,…)
   – Chi phí đào tạo thường do Chính quyền bang trả cho phần học tại trường theo chương trình, các học sinh có mức học bổng thấp (bằng khoảng 42% của lao động phổ thông). Còn các công ty trả chi phí trực tiếp cho việc đào tạo thực hành tại công ty. Thông thường, các công ty chi trung bình 2-3% tổng quỹ tiền lương của họ cho đào tạo ban đầu. Quá trình học tập tại doanh nghiệp, học viên được trả một phần tiền lương nhưng không thông qua hợp đồng lao động mà thông qua hợp đồng đào tạo với công ty, trong hợp đồng có đưa ra các nội dung cần được đảm bảo trong quá trình đào tạo nghề tại đơn vị.
   – Hệ thống đào tạo nghề kép được điều chỉnh bởi nhu cầu cung cấp vị trí đào tạo của các công ty. Các công ty là người quyết định số lượng công nhân được đào tạo và chuyên ngành đào tạo. Công ty được quyền tự do lựa chọn các ứng cử viên được tham gia đào tạo. Tuy nhiên, trong việc thực hiện những chức năng như vậy, công ty phải tuân thủ hàng loạt những quy chế do Chính phủ Liên bang đặt ra với sự tư vấn của các đoàn thể xã hội.

   – Sau khi học sinh tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, tình hình việc làm của học sinh nói chung tốt, phần lớn xin được việc làm ngay. Theo báo cáo về hệ thống đào tạo kép của Bộ Giáo dục và Khoa học CHLB Đức cho biết, sau 6 tháng tốt nghiệp từ hệ thống đào tạo nghề kép, khoảng 60% học sinh nhận được việc làm với hợp đồng không hạn chế, có nghĩa là hợp đồng trong thời gian 3-4 năm, rồi sau đó ký tiếp hoặc hợp đồng vĩnh viễn nếu cả hai bên mong muốn, 10% thất nghiệp, 17% tham gia quân ngũ hoặc nhận hợp đồng ngắn hạn (từ 6 tuần cho đến 5 năm) và 13% tham gia đào tạo tiếp.
   – Trong số những học sinh có việc làm ngay, 78% được làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo. Thông thường, những học sinh theo học các khóa đào tạo nghề trong các công ty lớn có cơ hội việc làm lớn hơn so với học sinh theo học các khóa đào tạo trong các công ty nhỏ. Theo số liệu thống kê, có khoảng 80% học sinh tốt nghiệp học nghề trong các công ty lớn được ở lại làm việc tại công ty đã đào tạo. Chỉ số này khiêm tốn hơn nhiều đối với đào tạo trong các công ty nhỏ, sử dụng chưa đến 1/2 số học sinh họ đã đào tạo.
   – Song, nhờ chất lượng đào tạo của hệ thống đào tạo nghề kép, nên cơ hội việc làm của các học sinh tốt nghiệp không được công ty đào tạo thuê vẫn cao. Hơn nữa, thường xuyên diễn ra quá trình trao đổi giữa hãng tổ chức đào tạo và hãng không tổ chức đào tạo nên việc điều chỉnh về các quyết định đào tạo và sử dụng được diễn ra theo điều kiện thị trường lao động. Một yếu tố chủ chốt tạo ra hiệu quả cao của hệ thống đào tạo nghề kép ở Đức là chất lượng cao, chế độ đãi ngộ tốt. Đây chính là động lực rất lớn khuyến khích giáo viên trong cả hai bộ phận, tại trường nghề và tại công ty.

   – Khả năng cung cấp các giáo viên có chất lượng cao là một tiêu chuẩn chính yếu, cho phép các công ty thực hiện quá trình đào tạo trong hệ thống đào tạo kép. Các giáo viên đào tạo tại công ty được lựa chọn từ các xưởng và phòng làm việc của công ty, phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc. Họ còn phải là những người có đủ năng lực sư phạm, chuyên môn để tham gia giảng dạy. Yêu cầu chuyên môn bao gồm một chứng chỉ thợ chính thức của ngành cộng với 1,5 năm đào tạo thêm tại các lớp học buổi tối của trường kỹ thuật và kỳ thi tốt nghiệp, xác nhận trình độ về cả chuyên môn lẫn sư phạm. Đối với những người được lựa chọn làm giáo viên, họ có quyền lợi đi kèm là được chuyển hẳn từ vị trí sản xuất như là “công nhân cổ xanh” sang vị trí làm việc của tầng lớp nhân viên cổ trắng, với 20 giờ dạy trong một tuần, thay cho khoảng thời gian tăng gấp đôi làm việc tại nơi sản xuất. Những quyền lợi này là động cơ thực sự cho phép lớp trẻ tham gia đội ngũ giảng dạy tại hệ thống đào tạo nghề kép.
II. CÁCH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP
  – Hệ thống đào tạo kép của Đức bao gồm nhiều cơ sở giáo dục tham gia, tính hợp pháp của chúng được xác định bởi Luật Giáo dục Liên bang Đức, Luật Bảo vệ Lao động Thanh niên, Quy định về Thương mại điều chỉnh hoạt động của hệ thống ở cấp liên bang (BIBB, 2018). Các cơ chế kinh tế xã hội đã góp phần vào hoạt động hiệu quả của hệ thống đào tạo kép. Trong đó bao gồm các luật quy định sự tham gia của các doanh nghiệp, các nguồn vốn tài trợ, học bổng của nhà nước hoặc khu vực. Sự tham gia của Công đoàn và Phòng Thương mại vào hệ thống đào tạo kép giúp đảm bảo việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.
  – Quá trình đào tạo bao gồm đào tạo tại trường nghề và đào tạo tại doanh nghiệp. Việc thi cử được tổ chức hoàn toàn độc lập bởi các phòng Thương mại. Hội đồng thi bao gồm đại diện của người sử dụng lao động, người lao động, giáo viên trường nghề (Chính phủ).
1. ĐÀO TẠO TẠI TRƯỜNG NGHỀ
   – Đào tạo tại trường nghề chịu sự quản lý của chính quyền từng bang. Chính quyền địa phương tài trợ các cơ sở đào tạo công lập (cơ sở vật chất, giáo viên, v.v.) còn trường dạy nghề dạy các môn đào tạo nghề (2/3) và các môn giáo dục phổ thông (1/3). Để được dạy tại các trường nghề, giáo viên phải có bằng thạc sĩ tương đương bậc 7 trong Khung trình độ quốc gia. Nội dung đào tạo tại trường nghề sẽ bám sát chương trình khung bao gồm các môn cơ sở, lý thuyết các môn thực hành và các môn ngoại ngữ, giáo dục thể chất, kỹ năng mềm.
  – Trong suốt quá trình hoạt động, các Phòng Thương mại sẽ hỗ trợ cho học viên và cho công ty mà họ thực tập các công việc như đăng ký hợp đồng đào tạo, tổ chức kỳ thi. Phòng Thương mại là đầu mối liên lạc giữa học viên và công ty trong cả quá trình trước, trong và sau thực tập.
2. ĐÀO TẠO TẠI DOANH NGHIỆP

   – Việc đào tạo tại doanh nghiệp chịu các quy định của chính quyền liên bang. Không phải tất cả các doanh nghiệp đều có thể tham gia vào hệ thống đào tạo nghề kép. Các công ty tham gia hệ thống đào tạo nghề kép phải đạt được một số tiêu chuẩn do Phòng Thương mại Đức đặt ra, trong đó phải chắc chắn rằng hệ thống hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với việc đào tạo các học viên trẻ. Hệ thống đào tạo nghề kép của Đức được hiểu là học ở trung tâm và thực hành ở doanh nghiệp trong suốt thời gian học nghề từ 3 đến 3,5 năm tùy theo nghề học. Tất cả các lý thuyết và kỹ năng cơ bản đều được đào tạo tại trường còn ứng dụng vận hành tại doanh nghiệp.Tuy nhiên, ngay cả học lý thuyết ở trường hoặc trung tâm đào tạo thì lý thuyết đó cũng được thực hành trên các modul thật hoặc bài giảng 3D trên màn hình chứ không phải lý thuyết chay.Khi xuống doanh nghiệp, học sinh hoàn toàn thực hành các kiến thức, kỹ năng đã được học tại trung tâm.Khi người học có nhu cầu học nghề, họ sẽ thực hiện các bước:
     *  Tìm các doanh nghiệp địa phương cung cấp đào tạo nghề;
     *  Tìm các chương trình đào tạo;
     *  Đăng ký tham gia đào tạo tại các doanh nghiệp;
     *  Lựa chọn doanh nghiệp. Như vậy, học viên sẽ trực tiếp tìm đến doanh nghiệp để đăng ký học, chứ không phải đăng ký học qua các trường nghề.
   – Sau khi doanh nghiệp và học viên đạt được thống nhất, hai bên sẽ tiến hành ký hợp đồng đào tạo. Hợp đồng đào tạo là cơ sở pháp lý cần thiết cho việc đào tạo nghề tại doanh nghiệp, trong đó có quy định: Thời gian đào tạo, thời gian bắt đầu và kết thúc đào tạo, thời gian tập sự, thời gian nghỉ, nội dung đào tạo, trợ cấp đào tạo, kết thúc hợp đồng.
   – Sau khi hợp đồng đào tạo được ký, các Phòng Thương mại sẽ chịu trách nhiệm đăng ký các hợp đồng để đảm bảo tính hợp pháp.Tại doanh nghiệp, các học viên sẽ được thực hành với các máy móc, thiết bị tại nơi làm việc và được hướng dẫn bởi các giáo viên toàn thời gian hoặc bán thời gian trong doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sẽ có các chuẩn đào tạo để làm cơ sở cho quá trình đào tạo tại doanh nghiệp. Học viên cần từng bước thực hiện các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào hiệu suất công việc.


3. KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ

   – Thời gian học nghề kép từ 2 đến 3,5 năm tùy vào từng lĩnh vực ngành nghề và bậc đào tạo trong khung trình độ quốc gia. Khung trình độ quốc gia của CHLB Đức (ban hành năm 2013) quy định 8 bậc trình độ, đảm bảo tham chiếu với 8 bậc trình độ trong khung trình độ châu Âu, trong đó bậc đào tạo nghề gồm bậc 3, bậc 4 và bậc 6. Người tốt nghiệp học nghề kép được xếp bậc 3 hoặc bậc 4 tùy vào khóa đào tạo đăng ký (bậc 3 với thời gian đào tạo thời gian 2 năm, bậc 4 với thời gian đào tạo từ 3 – 3,5 năm).
   – Để tốt nghiệp, người học phải đỗ kỳ thi theo chuẩn quốc gia. Nội dung lý thuyết và thực hành trong các bài thi tốt nghiệp ở toàn bộ 16 bang đảm bảo theo chuẩn như nhau. Riêng thi lý thuyết được tổ chức thi chung, cùng một thời gian trên toàn quốc. Như vậy, dù nội dung đào tạo tại các trường nghề có thể không hoàn toàn giống nhau do được quy định bởi các chính quyền bang khác nhau, nhưng kỳ thi tốt nghiệp phải đảm bảo sự thống nhất cấp quốc gia và bằng cấp được cấp theo khung trình độ quốc gia. Kỳ thi tốt nghiệp do các Phòng Thương mại tổ chức. Phòng Thương mại có trách nhiệm lựa chọn những người có đủ năng lực, tư cách để tham gia Hội đồng kiểm tra gồm đại diện người sử dụng lao động, người lao động (do Hiệp hội doanh nghiệp đề cử) và giáo viên các trường nghề (do các Chính quyền từng bang quản lý).
   – Các thành viên Hội đồng kiểm tra phải đảm bảo có mặt trong các ngày kiểm tra đánh giá và Hội đồng có trách nhiệm tiến hành các thủ tục trong quá trình kiểm tra và cấp bằng, chứng chỉ cho người tốt nghiệp.
   – Sau khi kết thúc học nghề, học viên có nhiều lựa chọn: tiếp tục thăng tiến trong công ty mình đã thực tập; học cao lên để lấy bằng cấp (bao gồm có thể học tiếp đại học dù không có bằng tốt nghiệp cấp 3); tìm việc tại các công ty khác.

4. CƠ CHẾ QUẢN LÝ KÉP
   – Mô hình đào tạo nghề kép còn gắn liền với cơ chế quản lý hệ thống đào tạo nghề ở Đức. Chẳng hạn, chính quyền bang chịu trách nhiệm quản lý trường nghề và Chính phủ Liên bang chịu trách nhiệm quản lý đào tạo nghề tại công ty. Việc dạy nghề tại công ty đều do các công ty trực tiếp tổ chức, song việc kiểm soát lại do công đoàn cùng với sự tham gia của các quan sát viên và Hội đồng công nhân tại công ty thực hiện.
   – Trên thực tế, công đoàn tham gia vào mọi công đoạn của hệ thống đào tạo kép trong công ty, từ quá trình lựa chọn học sinh cho đến duy trì một chương trình học hiện đại, kiểm soát chất lượng và bảo vệ công nhân khỏi một số nguy cơ như bị trả lương thấp hay không được đào tạo đầy đủ.
III. 3 LỢI ÍCH CỦA HỆ THỐNG ĐÀO TẠO NGHỀ KÉP
   – Hệ thống đào tạo kép mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan như:
        1- Đối với học viên: Có cơ hội nâng cao tay nghề đồng thời được nhận trợ cấp đào tạo (hưởng lương trong quá trình đào tạo); có cơ hội thực hành với máy móc thiết bị hiện đại và sát với môi trường làm việc thực tế; có cơ hội tiếp cận để lựa chọn ngành nghề và nơi làm việc; cung cấp nền tảng để học lên trình độ cao hơn hoặc tìm kiếm cơ hôi việc làm khác.
        2- Đối với doanh nghiệp: So với việc tuyển dụng lao động từ bên ngoài, việc tuyển dụng lao động qua hình thức đào tạo kép giúp doanh nghiệp tìm được lao động chất lượng cao, sát với nhu cầu của doanh nghiệp; tiết kiệm được chi phí tuyển dụng và đào tạo lại; hỗ trợ trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo kép coi đây là hình thức tuyển dụng nhân sự tốt nhất. Việc trực tiếp đào tạo nhân viên giúp họ tiết kiệm chi phí tuyển dụng và tránh trường hợp tuyển người không phù hợp. Đầu tư vào đào tạo là yếu tố quan trọng để thành công trong môi trường ngày càng cạnh tranh. Hơn nữa, nó cũng giúp nhà tuyển dụng tin tưởng hơn vào trình độ của người lao động, dù họ không học việc tại công ty mình.
       3- Đối với chính phủ: Chính phủ thu được lợi ích chính trị từ tác động tích cực của đào tạo nghề kép đến nền kinh tế và xã hội, có được hệ thống đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.
  * Yếu tố tạo nên sự thành công của hệ thống đào tạo nghề kép của Đức.
Có nhiều yếu tố tạo nên sự thành công của hệ thống đào tạo nghề kép của Đức, trong đó có một số yếu tố chính:
        + Gắn kết chặt chẽ giữa chính phủ và ngành công nghiệp, các doanh nghiệp
    – Trong hệ thống đào tạo nghề kép của CHLB Đức, sự gắn kết giữa Chính phủ và ngành, doanh nghiệp thể hiện qua việc hai bên cùng đầu tư vào hệ thống đào tạo nghề kép, cùng phối hợp với tổ chức công đoàn phát triển các ngành nghề đào tạo, xây dựng chuẩn đào tạo và việc tổ chức kiểm tra đánh giá người học. Để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đào tạo, Chính phủ còn đầu tư vào các trung tâm đào tạo do các Phòng Thương mại quản lý để đào tạo bổ sung cho các nội dung doanh nghiệp không đủ năng lực đào tạo theo chuẩn đào tạo tại doanh nghiệp. Sự gắn kết này đảm bảo đào tạo sát thực tiễn cũng như sự đồng thuận giữa các bên và cộng đồng về các quyết định trong đào tạo nghề. Rõ ràng, sự gắn kết này mang lại lợi ích cho cả hai bên. Chính phủ muốn doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động và giảm được ngân sách đầu tư cho đào tạo nghề. Doanh nghiệp tham gia đào tạo để có nguồn lao động chất lượng, lại tiết kiệm chi phí tuyển dụng, và không phải đào tạo lại. Mặt khác, doanh nghiệp lại thu được lợi từ sự đóng góp của người học trong quá trình đào tạo và cũng là thực hiện trách nhiệm với xã hội.
        + Đào tạo thực hành ngay tại nơi làm việc:
    – Trong mô hình đào tạo kép, với 70% thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp có nghĩa là người học được thực hành rất nhiều trong môi trường làm việc thực tế. Điều này khuyến khích người học phấn đấu để đảm nhận được các công việc của doanh nghiệp, giúp học sinh có động lực học tập, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học và thúc đẩy hòa nhập xã hội của người học.

IV. KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI ĐÀO TẠO NGHỀ CỦA VIỆT NAM.

     – Khác với học sinh tại các trường nghề của Đức, đối với đào tạo nghề ở Việt Nam hiện nay, thường phải đợi đến kỳ học cuối mới được trải nghiệm và thực tập tại doanh nghiệp, như vậy thời lượng đào tạo tại môi trường làm việc thực tế chỉ chiếm khoảng 20% chương trình đào tạo.
     – Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần tạo điều kiện cho sinh viên được trải nghiệm nhiều hơn, sớm hơn tại doanh nghiệp ngoài đợt thực tập cuối khóa theo quy định. Các trường cần có sự phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để thời gian thực tập, đào tạo tại doanh nghiệp đạt hiệu quả tối đa. Khi việc bố trí cho các em được trải nghiệm tại doanh nghiệp còn khó khăn thì việc nâng cao hiệu quả đào tạo thực hành tại trường nghề cũng là một giải pháp cần chú trọng.
     – Cần tạo môi trường thực hành tại trường như môi trường làm việc tại doanh nghiệp, từ việc bố trí nhà xưởng, thiết bị, các yêu cầu về vệ sinh, yêu cầu an toàn lao động, tác phong công nghiệp đến việc hướng dẫn, giảm sát, đánh giá kết quả thực hành đối với người học.

V. CHẤT LƯỢNG CỦA GIÁO VIÊN ĐÀO TẠO NGHỀ

    – Ở Đức, giáo viên tại trường nghề hay người dạy tại doanh nghiệp (dạy toàn thời gian) phải đáp ứng các yêu cầu rất cao về bằng cấp, chuyên môn nghề, kỹ năng sư phạm và kinh nghiệm thực tế tại nơi làm việc. Còn người dạy bán thời gian trong doanh nghiệp không phải đáp ứng yêu cầu về bằng cấp nhưng phải giỏi kỹ năng nghề.
    – Bài học với chúng ra ở đây là năng lực của đội ngũ nhà giáo luôn là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo quan trọng nhất. Khi yêu cầu đối với giáo viên dạy nghề của Việt Nam chưa cao như CHLB Đức, cần chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt về kỹ năng sư phạm, kỹ năng thực hành và trải nghiệm thực tế tại nơi làm việc.   
    – Riêng đối với kỹ năng sư phạm, các cơ sở đào tạo cần triển khai hiệu quả đào tạo đồng cấp, tăng cường dự giờ góp ý chia sẻ kinh nghiệm giữa các giáo viên…
    – Có thể khẳng định, hệ thống đào tạo nghề kép là mô hình đào tạo chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống đào tạo ở CHLB Đức, được thế giới công nhận là mô hình đào tạo tiên tiến với mục đích chính là phát triển một lực lượng lao động chất lượng cao với quy mô ngày càng tăng.

MỌI CHI TIẾT XIN LIÊN HỆ: